Trên bảng thứ bậc VnExpress Marathon, những chân chạy nước ngoài trong top 30 đều là người Nhật Bản.

Akane Nemoto cán đích ở VnExpress Marathon Huế. Ảnh: VM
Có ba VĐV không mang quốc tịch Việt Nam góp mặt trong top 30 nam và nữ ở bảng thứ bậc VnExpress Marathon, gồm Akane Nemoto, Harada Tamae trên bảng nữ và Sueyoshi Tomohiro ở bảng nam. Họ là những người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Trong số này, Akane Nemoto thuộc top 6 nữ, với thành tích lọt top 5 cự ly 42km nhóm tuổi 31-39 tại VM Huế và về thứ 11 cự ly 42km tại giải đấu ở Quy Nhơn. Harada Tamae thì về nhì cự ly 42km nhóm tuổi 31-39 tại VM Huế, xếp thứ 23 trên bảng điểm tổng hai kỳ giải năm 2022. Sueyoshi Tomohiro xếp thứ 22 ở bảng nam, với thành tích tiệm cận sub 3 ở cự ly 42km hai giải đấu ở Huế và Quy Nhơn.
Từ mùa 2022, ban tổ chức VM ra mắt bảng xếp hạng các runner, dựa trên thành tích và thứ bậc của họ ở các giải đấu trong hệ thống. Top 50 nam và nữ sẽ được tặng bib và nhận nhiều hỗ trợ di chuyển từ ban tổ chức ở giải đấu kế tiếp. Nhờ đó, những chân chạy Nhật Bản có thêm động lực để tham dự và duy trì thành tích cao ở các giải VnExpress Marathon.
Harada Tamae vừa trở về từ giải Cameron Ultra Trail 2022 tuần trước tại Malaysia, nơi cô hoàn thành mục tiêu chạy 100km trong dưới 20 giờ, về đích thứ tư. Dù chưa hết mệt mỏi sau giải đấu tiêu tốn nhiều thể lực, chân chạy 39 tuổi vẫn sẽ tham dự VM Hạ Long. Quyết định của Tamae không chỉ đến từ việc muốn duy trì vị trí trong top 50 trên bảng thứ bậc của hệ thống. “Tôi muốn tận hưởng các giải đấu VnExpress Marathon”, Harada Tamae chia sẻ. “Ban tổ chức luôn muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho các runner. Điều đó khiến tôi cảm kích”.

Tamae (trái) trên bục nhận giải tại Cameron Ultra Trail 2022. Ảnh: NVCC
Nhật Bản là cường quốc chạy bộ không chỉ ở châu Á, mà còn ở tầm thế giới. Nhưng với Tamae, cảm hứng chạy bộ chỉ đến khi cô sang Việt Nam làm việc tại một công ty giám định. Thay vì đi bộ đi làm như ở Nhật Bản, Tamae đi xe máy đi làm ở Việt Nam và cảm thấy cần tìm một môn thể thao để rèn luyện sức khoẻ.
Dù công việc bận rộn, cô vẫn cố gắng thu xếp thời gian chạy bộ trước khi đi làm. Cô chạy trung bình 200 km mỗi tháng. Tamae sau đó tham gia nhóm chạy Hochiminh City Running Club, nơi cô được gặp nhiều đồng hương cũng như những người bạn khác đến từ Việt Nam, Philippines, Canada hay Malaysia. Sau gần 10 năm chạy bộ, Tamae giờ là khách quen ở hầu hết các giải chạy tại Việt Nam. Ở VM Huế, cô đạt được thành tích cá nhân tốt nhất, khi cán đích sau 3 giờ 43 phút ở cự ly 42km.
“Tôi thích chạy ở Việt Nam hơn Nhật Bản”, chân chạy Nhật Bản bày tỏ. “Ở Nhật có rất nhiều giải chạy, rất nhiều runner nên việc đăng ký đôi khi gặp khó khăn. Bạn phải cần đến cả may mắn để được dự giải. Ở Việt Nam, các giải đấu cũng được tổ chức rất quy củ và chuyên nghiệp. Đặc biệt, điểm khác biệt lớn nhất mà tôi thấy, đó là ở Nhật Bản không có đơn vị nào đủ khả năng tổ chức các giải đấu trên khắp đất nước, giống như những gì VnExpress đang làm tại Việt Nam”.

Tamae trong một giải chạy tháng 6/2022. Ảnh: NVCC
Nhóm chạy Hochiminh City Running Club của Tamae còn có sự góp mặt của Akane Nemoto, người xếp thứ sáu trên hệ thống tính điểm VnExpress Marathon. Kỷ niệm đẹp nhất của Nemoto trong các giải chạy cũng đến ở VM Huế 2022, nơi cô lần đầu đạt sub 3h30 full marathon. Đó là mục tiêu Nemoto luôn mong mỏi chinh phục sau sáu năm chạy bộ.
“Thật tuyệt khi tôi phá được giới hạn bản thân tại VnExpress Marathon”, Nemoto chia sẻ. “Tôi đã chạy nhiều giải trong hệ thống này cũng như các giải đấu khác ở Việt Nam. Chạy bộ cho tôi gặp gỡ những con người mới, mở rộng cộng đồng của mình và được đi du lịch nhiều nơi”.
Nemoto sang Việt Nam 5 năm trước, làm quản lý cấp cao ở bộ phận marketing của một công ty tại Bình Dương. Cũng giống Tamae, Nemoto bận rộn với công việc, nhưng luôn thu xếp thời gian chạy bộ tại Việt Nam. Theo runner 33 tuổi, chạy bộ giúp cô khoẻ mạnh, hạnh phúc và duy trì năng lượng cần thiết cho công việc và cuộc sống.
Từng dự các giải chạy quy mô lớn ở Nhật Bản, nhưng Nemoto vẫn ấn tượng với các giải đấu ở Việt Nam. “Có rất nhiều giải chạy ở Nhật Bản vì đó là môn thể thao phổ biến ở đất nước chúng tôi”, cô chia sẻ trước thềm VM Hạ Long. “Nhưng chạy giải ở Việt Nam vẫn khác ở Nhật nhiều. Ở Nhật, các giải chạy thường diễn ra vào mùa thu và mùa đông thay vì mùa hè, và thường bắt đầu vào 9h sáng. Ở Việt Nam, các giải đấu được trải đều trong năm và bắt đầu sớm hơn vài tiếng. Bên cạnh đó, người Việt Nam có văn hóa khá thú vị là thường uống bia sau khi về đích. Đó là điều tôi chưa từng thấy ở Nhật Bản”.
Với người Nhật, chạy bộ không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khoẻ, chiến thắng bản thân. Chạy bộ như một lối sinh hoạt hàng ngày với những Tamae, Nemoto hay các VĐV Nhật Bản khác. Từ sau Thế chiến thứ hai, môn thể thao này được xem như hoạt động mang đậm tinh thần kỉ luật Nhật Bản cũng như phản ánh nỗ lực của toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng đất nước. Nhờ đó, số lượng chân chạy Nhật Bản cũng như chất lượng runner xứ Mặt trời mọc không ngừng được nâng cao.
Trong bảng xếp hạng 1000 VĐV marathon thế giới, Nhật Bản chỉ xếp thứ ba, sau Kenya và Ethiopia. Yuki Kawauchi, người về nhất Boston Marathon 2018, cũng là một nhân viên văn phòng. Bởi vậy, sự xuất hiện thường xuyên của các runner Nhật Bản tại hệ thống VnExpress Marathon không chỉ mang đến làn gió mới lạ, mà còn làm tăng tính cạnh tranh và sức hấp dẫn cho các giải đấu.
Nhân Đạt